Nhận biết các triệu chứng và cách phòng tránh bệnh dịch Ebola
2 con đường lây truyền bệnh
Lây truyền từ động vật sang người
Vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, vi rút lây truyền khi người bình thường tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.
Lây truyền từ người sang người
Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể: phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút: quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng.
Cán bộ, nhân viên y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp.
Nhóm nguy cơ bị nhiễm
Trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các đối tượng sau có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:
Thợ săn, người sống trong rừng có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết: tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…
Thành viên gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh
Nhân viên lễ tang, người tham gia đám tang có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân
Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết
Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng buồn nôn/nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban (ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh), suy thận, suy gan.
Các triệu chứng xuất huyết: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, chảy máu âm đạo
Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Khi nào cần phải đi khám?
Bạn nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Các biện pháp phòng chống virus Ebola
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Ebola. Mỗi người cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh nạn dịch nguy hiểm này. Các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế, cắt đường lây truyền bệnh.
Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khi phát hiện người nghi ngờ nhiễm virus Ebola cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng. Hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, cách tiêu hủy phương tiện sau khi sử dụng.
Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giầy, quần áo), cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn... tại khu vực có rừng nhiệt đới.
Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Ebola gây nguy cơ sảy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao ở phụ nữ có thai. Ebola có thể truyền qua sữa mẹ nên khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh.
Lan Dương tổng hợp
- 26/06/2015 01:27 - Dịch bệnh MERS-CoV: Triệu chứng và cách phòng ngừa
- 05/11/2014 03:45 - Sốt cao co giật ở trẻ em và cách xử trí
- 26/09/2014 08:02 - Bệnh đau mắt đỏ và cách phòng chống
- 10/09/2014 02:52 - Những cách phạt con hư càng phạt càng...hỏng
- 10/09/2014 02:52 - Để bữa ăn của bé đầy đủ dinh dưỡng
- 15/08/2014 10:23 - Thực phẩm "cấp cứu" bé mùa dịch bệnh
- 05/06/2014 10:06 - Lưu ý để con không bị bệnh khi dùng quạt, điều hòa.
- 05/06/2014 10:05 - Thực phẩm nên cho con ăn mùa hè
- 05/06/2014 10:05 - Kỹ năng chăm sóc bản thân cần dạy cho trẻ mẫu giáo
- 16/04/2014 04:17 - Khi con ho, sổ mũi: mẹ chớ nên cho uống kháng sinh ngay